Giới thiệu sơ lược về cây Mắc ca
GiỚI THIỆU VỀ MẮC CA
Tên khoa học: Macadamia tetraphylla và Macadamiategrifolia
Thuộc họ Proteaceae.
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
Cây Mắc ca trồng bằng giống vô tính (ghép hoặc hom) sau 3 năm bắt đầu cho quả, ở tuổi 10 cây bắt đầu sai quả, tuổi 12 năng suất cao gấp đôi năm thứ 10, thời gian sai quả 60 năm, tuổi thọ cây trên 100 năm. Nếu trồng bằng hạt chậm ra quả từ 2-3 năm và năng suất quả không đều, năng suất tổng thể thấp, giá bán hạt cũng thấp hơn rất nhiều.
Thành phần hữu ích là nhân hạt màu trắng sữa ngã vàng, chiếm 1/3 trọng lượng hạt. Thành phần dinh dưỡng trong hạt như sau:
Chất béo: 78,2%.
Các hợp chất đường: 10 %.
Các chất đạm: 9,2%.
Hàm lượng nước: 1,5% - 2,5%.
Kali: 0,37%; Phốt pho: 0,17%; Magiê: 0,12%.
Ngoài ra mỗi kilogam nhân hạt mắc ca còn có 360mgr canxi, 66mgr lưu huỳnh, 18mgr Sắt, 14mgr Kẽm, 3,3mgr Đồng và một số loại vitamin như vitamin PP 16mgr, B1 2,2mgr, B2 2,2mgr, vitamin E 6,4 -18g/kg nhân.
Nhân Mắc ca béo ngậy, với 9% protin, 10% hợp chất đường, nhân mắc ca còn có vị ngọt và rất bùi, thoang thoảng mùi hương của bơ sữa bò rất hấp dẫn.
Nhân Mắc ca dòn mà không cứng như hạt điều hay nhân lạc, dùng ăn sống, luộc, rang hoặc xào nấu với đồ ăn mặn đều rất ngon, độn vào kem cốc, kẹo sôcôla, bánh ga tô và nhiều loại đồ ngọt khác đều làm cho các đồ ăn này tăng hẳn giá trị. Nó cũng có thể thổi xôi, nấu chè, làm nhân bánh dẻo, bánh nướng ... trên thế giới hạt mắc ca đã được đưa lên bàn ăn của các nhà giàu, bàn tiệc.
Ngoài ra vỏ quả mắc ca có chứa 14% tanin, 8-10% protein, sau khi chiết xuất tanin bằng nước nóng, vỏ quả thường được nghiền làm thức ăn gia súc hoặc có thể làm nhiên liệu, phân, chất độn bầu ươm cây, độn đất chậu cảnh.
Do hương vị nhân và giá cả Măc-ca rất hấp dẫn nên hàng chục nước đã đua nhau phát triển Măc-ca trong mấy chục năm qua, nhưng người ta dự báo rằng còn lâu cung mới đuổi kịp cầu, giá cả Mắc-ca trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng và là hàng nông sản đắt giá nhất trên thị trường thế giới hiện nay.
Năm 1960, giá thu mua hạt Măc-ca ở Ha-oai là 0,395 USD/kg
Năm 1980 - 1,540 USD/kg
Năm 1986 - 1,860 USD/kg
Tại Australia giá thu mua hạt Mắc-ca năm 1985 là 1,9 AUD/kg, năm 1996 là 3,0 AUD/kg (tỷ giá thời kỳ đó là 1 AUD= 0,6-0,7 USD)
Trọng lượng nhân bằng 1/3 trọng lượng hạt, phải nhân 3 để có trị số quy đổi thành giá mỗi kg nhân. Đến năm 2000 giá mua bán nhân Mắc-ca trên thị trường thế giới đã lên tới 12 – 15 USD/Kg. Giá bán lẻ trên thị trường nội địa Trung Quốc năm 2000 là 200 – 220 tệ/kg tương đương 24 – 27 USD/kg
Theo thống kê năm 1997, tổng diện tích cây Mắc-ca trên toàn thế giới đạt 46.000 Ha, sản lượng nhân đạt 61.000 tấn, phân bố chủ yếu tại 7 nước sau đây:
Australia 9.020 Ha sản lượng 26.000 tấn
Mỹ 8.215 Ha sản lượng 24.500 tấn
Bra-xin 6.300 Ha 1.000 tấn
Kê-nia 6.050 Ha 4.400 tấn
Côt sta-rica 6.000 Ha 3.100 tấn
Nam Phi 4.500 Ha 3.920 tấn
Guatemala 3.200 Ha 2.300 tấn.
Hầu hết các giống Mắc ca đều ngừng quang hợp ở 38oC. Việc ra hoa kết quả là then chốt quyết định năng suất vườn cây. Vì thế nó được nhiều nước nghiên cứu kỹ.
Ở bắc bán cầu chồi hoa hình thành vào tháng 10, nở hoa vào cuối tháng 2 đến đầu tháng 4. Chồi hoa hình thành tốt nhất ở nhiệt độ 18oC, nhiệt độ ban đêm thấp hơn 12oC, cao hơn 21oCđều không thể hình thành chồi hoa. Để khắc phục nhược điểm này các vùng có nhiệt độ cao thì người ta chọn vùng núi cao từ 600m đến 1000m để trồng. Mùa hoa nở và sau hoa nở gặp nắng hạn sẽ gây rụng hoa nghiêm trọng. Cây mắc ca ra rất nhiều hoa, mỗi bông đuôi sóc có từ 100-300 hoa, nhưng tỷ lệ đậu quả chỉ từ 1-3%, khí hậu không thuận lợi có thể hoàn toàn không đậu quả.
Tại bắc bán cầu quả mắc ca chín vào tháng 9 tới giữa tháng 11, 3 tháng trước đó là giai đoạn tích luỹ dầu cho hạt quan trongj nhất, đòi hỏi khí hậu nóng ẩm, nóng nhưng không quá 38oC đều trồng tốt.
II. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC:
Mắc-ca là cây gỗ lớn thường xanh, có thể cao tới 18m, tán rộng tới 15m vừa vươn thẳng vừa có thể xoè rộng. Tuổi thọ cây ở vùng nguyên sản có thể vượt qua trăm tuổi vẫn sinh trưởng tốt, tuổi thọ kinh tế khoảng 40 - 60 năm.
1. Đặc điểm hình thái:
1.1. Rễ
Loài Mắc-ca mang đặc điểm chung của họ Protaceae là rễ cọc kém phát triển nhưng rễ bàng rất rộng lớn và rất rậm, dù cây mọc từ hạt hay từ hom. Bộ rễ Mắc-ca chủ yếu phân bố trong tầng đất 70cm trở lại, trong đó 70% tập trung tầng đất mặt từ 0-30cm. Tán nặng, rễ nông làm cho Mắc-ca chịu bão kém (có thể tham khảo biểu dưới đây).
Vào mùa phát rễ, rất nhiều rễ cám mọc ra từ rễ cái thành từng chùm gần như đồng thời, nhưng chúng không có năng lực đẻ thêm rễ con. Khi rễ cám vươn ra được 1-4 cm thì xuất hiện lông hút, tuổi thọ rễ cám thường không quá 12 tháng thì bị tỉa thưa tự nhiên. Trên đồng ruộng, quá trình phát sinh rễ có tính nhịp điệu.
1.2. Thân.
Thân Mắc-ca thẳng đứng, chia cành rất nhiều. Cành tròn đều có nhiều mụn lồi (Bì khổng), vỏ nhám không xẻ cành, vết cắt trên vỏ có màu đỏ tối, gỗ rất cứng. Khi nhân bằng hom có khả năng phát rễ từ bì khổng, góp thêm thuận lợi cho nhân hom và chất lượng cây hom.
1.3. Lá.
Có 3 hoặc 4 lá mọc cách theo đường xoáy ốc. Lá cứng, mép lá lượn sóng, mặt lá thường uốn lượn, lá nguyên mép hoặc có răng cưa, đôi khi răng cưa nhọn cứng như gai. Gân nổi rất dễ thấy.
1.4. Hoa
Hoa tự đuôi sóc mọc ra từ cành 1,5 đến 2 tuổi, có khi cành 3 tuổi vẫn trổ hoa, tập trung chủ yếu ở đầu cuối đoạn cành. Hoa thường mọc thành chùm đôi hoặc 3-4 bông trên 1 cuống hoa chung dài 3-4 mm, mỗi bông dài khoảng 12mm.
Hoa lưỡng tính, cánh hoa thoái hoá, mỗi bông có 4 cánh hoa do 4 cánh đài hoa mọc dài ra mà thành, trước khi nở chúng dính liền nhau thành búp dài tròn.
Bầu hoa thượng vị chứa 2 phôi châu nhưng thường chỉ 1 phôi phát dục và sau này tạo thành hạt tròn. Nếu cả 2 phôi đều thụ tinh tốt quả sẽ chứa 2 hạt hình bán cầu chất lượng thương phẩm sẽ kém.
Nhuỵ cái rất dài, trước khi hoa nở vòi nhị cái dài ra rất nhanh, uốn cong và lách ra khỏi búp cánh rồi vươn thẳng. 4 nhuỵ đực đính trên 4 cánh giả và chỉ bật ra được khi hoa đã nở, nhị đực uốn cong xuống phía dưới cách xa đầu nhuỵ cái. Do đó phối hợp nhiều giòng để thụ phấn chéo nhờ côn trùng là cần thiết.
1.5. Quả.
Kích thước khoảng 2.5cm, nặng 8-9g, vỏ quả dày 2-3mm. Quả thường mọc thành chùm 2-3 quả trên cuống hoa tự, đôi khi có chùm có 17-20 quả. Vỏ quả gồm 2 lớp gồm lớp vỏ ngoài láng bóng tạo nên bởi những tế bào dạng sợi và lớp áo trong tạo nên bởi tế bào nhu mô, khi lớp áo này chuyển màu từ trắng sang nâu rồi đen là dấu hiệu cho thấy quả đã chín. Trong sản xuất người ta thường dựa vào đặc điểm này để đánh giá độ chín của quả.
Hạt rất cứng, gồm lớp vỏ dày 2-5mm, nhân tạo nên bởi 2 tử diệp hình bán cầu chứa đầy phôi nhũ và phôi hình cầu rất nhỏ gắn giữa 2 tử diệp và nằm sát châu khổng (lỗ nẩy mầm). Tuy rất nhỏ nhưng phôi thành thục vẫn có đủ trục phôi, mầm thân và mầm rễ.
Trên vỏ hạt có thể thấy rốn hạt, lỗ nẩy mầm và đường gân chạy liền giữa rốn và lỗ nẩy mầm, khi nẩy mầm vỏ hạt sẽ nứt theo đường gân này.
Vỏ hạt gồm 2 lớp, lớp ngoài dày gấp 15 lần lớp áo trong và tạo ra bởi những tế bào có lớp vỏ cenlulose rất dày và tế bào thạch. Khi già cả 2 loại tế bào này đều hoá gỗ cao độ làm cho vỏ hạt rất cứng.
Lớp áo trong rất mỏng, phần sát rốn hơi có màu nâu, phần sát lỗ nảy mầm màu trắng sữa.
2. Đặc điểm sinh học:
2.1. Các tập tính phát triển cành :
Nắm vững quy luật phát sinh và hình thái cành có ý nghĩa quan trọng đối với tạo tán, thúc hoa, nhân giống bằng hom và ghép.
Cây Mắc-ca mỗi năm phát lộc 3-4 lần, tại phía Nam Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc, mỗi năm Mắc-ca phát lộc trên 4 lần. Từ khi ngọn non mọc ra cho đến khi đoạn cành thành thục cần 40 ngày, 18-28 ngày tiếp theo lại phát lộc tiếp. ở cây trưởng thành đang sai quả tại Nam Quảng Tây, mỗi năm thường chỉ phát lộc 3 lần, tập trung vào các tháng 4 (Lộc xuân), tháng 6 (Lộc hè), tháng 10 (Lộc thu), ngoài ra trong mọi lúc trên cây vẫn thường xuyên có lộc non phát rải rác.
Vào mùa nóng nhất trong năm từ trung tuần tháng 7 đến hạ tuần tháng 8, Mắc-ca mọc chậm, đặc biệt là các giòng ưa mát 508, 344 lá non thường mất màu xanh và một số chứng bệnh sinh lý khác như lá bạc trắng.
Từ cuối tháng 12 đến hết tháng 2 năm sau, Mắc-ca thường không trổ cành non. Mỗi đoạn cành sinh ra sau mỗi lần phát lộc thường dài 30-50cm gồm 7-10 mắt. Trên cây non hoặc cây đang sinh trưởng mạnh mẽ, đoạn cành này có thể dài tới 1,0m, chồi hoa thường phát ra từ cành tương đối già - khoảng 1,5 đến 3 tuổi. Trên cây còn non quy luật này càng rõ. Hoa quả còn có thể mọc ra từ cành rất nhỏ, chỉ dài 1cm nằm khuất trong tán lá. Hiện tượng phát lộc thường gặp là 3 chồi nách của 3 nách lá mọc cách xoáy ốc cùng mọc ra 1 lúc, nhưng cũng có lúc đồng thời phát ra 9-12 lộc non.
2.2. Tập tính ra hoa.
Có thể chia 3 thời kỳ là hình thành chồi hoa, vươn dài của hoa tự và hoa nở. Khi chồi hoa được hình thành và mắt thường có thể thấy rõ, thì chồi hoa bước vào giai đoạn ngủ kéo dài từ 50 - 96 ngày tuỳ theo vùng khí hậu, sau đó hoa tự bắt đầu vươn dài, sớm muộn tùy nơi nhưng thời kỳ vươn dài thường mất 60 ngày. Như vậy mùa hoa nở thường muộn hơn hình thành chồi hoa 137 đến 153 ngày.
Tại vùng Lôi Châu Trung Quốc, hoa nở vào cuối tháng 12, nở rộ trong tháng 3 và hoa tàn vào đầu tháng 4, nhịp điệu nói chung sớm hơn vùng Nam Ninh hơi lạnh hơn khoảng 10 - 15 ngày.
Nhịp điệu mùa hoa có chênh lệch ít nhiều giữa các dòng. Thí dụ dòng 695 thường muộn hơn các dòng khác gần 1 tháng.
Thời điểm hoa nở thường đến sau phân chia giảm nhiễm của tế bào mẹ của phôi hoa khoảng 2-3 tuần.
Khi hoa nở, vòi nhị cái mọc dài và bị uốn cong suốt 6-7 ngày, tới ngày thứ 10 phần uốn cong lớn nhất làm nứt đường gân nối trên búp cánh hoa (gi) nhưng hoa cũng vẫn chưa nở, lúc này búp cánh hoa đã kịp chuyển màu từ xanh sang trắng sữa. Nhưng cũng có những giòng (như 246), cho đến lúc nở, cánh hoa cũng vẫn chưa hết màu xanh.
Khoảng ngày thứ 12 hoa bắt đầu tung phấn lên đầu vòi nhuỵ cái. Vòi nhuỵ cái tiếp tục vươn mạnh rồi bật ra khỏi búp cánh hoa (cánh hoa giả do thuỳ của đài hoa biến dạng, trên 4 đầu cánh giả đính 4 nhuỵ đực), sau đó 1-2 giờ hoa bắt đầu nở. Hoa thường nở vào 7-8 giờ sáng, nở hết vào buổi trưa, thoạt đầu các cánh hoa tách rời nhau từ đỉnh búp, vòi nhuỵ đực vươn ra trùm lên phía trên đầu nhuỵ cái, cánh hoa tiếp tục uốn cong ra ngoài và các bao phấn (mỗi nhuỵ đực có 2 bao phấn) cũng rời xa đầu nhuỵ cái.
Nếu mùa hoa tốt nắng thì hoa ở phần ngọn chùm đuôi sóc nở trước, nếu thiếu nắng thì phần gốc nở trước, hoặc cũng có thể là 2 đầu cùng nở hoặc đoạn giữa nở trước. Mùa hoa kéo dài vài tháng, cũng có giòng ngoài vụ hoa tập trung vẫn có một số chùm hoa lai rai suốt năm. Trên cùng 1 hoa tự, thời gian nở hết hoa kéo dài 1-5 ngày tuỳ theo giòng.
ở Mắc-ca, nhuỵ đực chín trước nhuỵ cái. Trong vòng 2 giờ sau khi hoa nở, hạt phấn vẫn chưa nảy mầm trên đầu nhuỵ cái. Hạt phấn bắt đầu nảy mầm sau khi hoa nở 24-26 giờ, tăng mạnh sau 48 giờ.
2.3. Phát triển của quả và vấn đề rụng non.
Sau khi thụ tinh, phôi châu thứ hai thường bất dục, đôi khi cả 2 phôi châu đều thụ tinh thành công và sinh ra quả 2 hạt. Trường hợp này rất hiếm, hạt có hình bán cầu và làm giảm chất lượng. Trong quá trình phát triển của quả, rụng non là vấn đề rất thường gặp ở Mắc-ca. Trên 1 chùm 300 bông hoa, ban đầu có thể có từ 6-35% đậu thành quả nhưng cuối cùng chỉ còn không quá 3% phát triển được thành quả chín già.
Hiện tượng rụng non có thể chia 3 thời kỳ :
(1) Trong vòng 14 ngày sau khi hoa tàn, phần lớn những hoa đã thụ phấn nhưng thụ tinh không thành công đều lần lượt rụng hết. Đầu nhuỵ cái của những hoa này có thể có phấn hoa đã nảy mầm nhưng chưa hoàn tất quá trình thụ tinh, số còn lại đã có bầu nhuỵ cái nở to, chứng tỏ đã thụ tinh tốt.
(2) Từ ngày thứ 21 đến ngày 56, quả non rụng dồn dập dù đã thụ tinh tốt.
(3) Từ ngày 70 đến khi quả gần chín (ngày thứ 210) quả rụng rải rác.
Tại bán đảo Lôi Châu, quả non rụng nhiều vào 2 thời kỳ, nhiều nhất là vào tháng 5 (sau hoa tàn 50-80 ngày), chiếm 2/3 tổng số quả rơi rụng. Thời kỳ rụng tập trung thứ hai là từ cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8 (sau hoa tàn 120 - 150 ngày), chiếm 1/4 tổng số rơi rụng.
Phần lớn các tác giả nghiên cứu đều đi đến nhận xét chung là nguyên nhân chính dẫn đến rụng quả là vấn đề dinh dưỡng. Nghiên cứu về nhịp điệu rụng quả và biến động dinh dưỡng trong lá cây, Hứa Huệ Sách (Lôi Châu 1995), Từ Hiểu Linh (Lôi Châu 1996) đều phát hiện thấy nhịp điệu tăng trọng nhanh của quả non rất trùng khớp với nhịp điệu rụng quả nhiều. Mắc-ca có đặc điểm là hoa quá nhiều, tiêu hao rất nhiều đạm và lân. Tháng 3, mùa hoa, hàm lượng đạm và lân dự trữ trong lá giảm đi mạnh mẽ. Tháng 4 hoa tàn, quả non tăng trọng rất nhanh, đúng lúc đó tán cây cũng phát lộc xuân. Sự tranh chấp dinh dưỡng đã làm cho hàm lượng đạm, kali và lân dự trữ hạ xuống tới giới hạn thấp nhất. Tháng 5 hàm lượng đạm trong lá chỉ còn 0,26%, điều đó đã gây ra đợt rụng quả non dồn dập trong tháng 5. Tháng 6 phát lộc hè, quả cũng bước vào giai đoạn tích luỹ dầu mạnh mẽ, nhu cầu dinh dưỡng của quả lên đến đỉnh cao dẫn đến hàm lượng N, P, K trong lá giảm xuống giới hạn rất thấp trong tháng 7 (P : 0,064%, K : 0,41%). Đó là lúc xuất hiện đợt rụng quả mạnh mẽ thứ 2 (cuối tháng 7 đầu tháng 8).
Cả 2 đợt rụng quả mạnh mẽ đều trùng khớp với thời điểm đường cong hàm lượng dinh dưỡng đi tới điểm lõm nhất.
Những kết quả nghiên cứu trên gợi ra ý tưởng phải tìm giải pháp khắc phục hiện tượng rụng quả thông qua cải thiện chế độ dinh dưỡng.
Ngoài vấn đề dinh dưỡng, nóng, hạn, bão cũng có thể gây rụng quả rất nhiều. Sau hoa tàn 70 ngày, nhiệt độ đầu hè 30-35 oC cũng kích thích rụng quả.
Nếu nhiệt độ cao xuất hiện đồng thời với khô hạn, quả non càng rơi rụng nhiều, đặc biệt là trong khoảng thời gian 35-41 ngày sau khi hoa tàn, thời kỳ này nếu gặp gió mùa tây nam khô nóng (gió Lào) quả sẽ rụng rất mạnh.
Để ngăn ngừa rụng quả, các nước đã nghiên cứu nhiều về sử dụng chất điều hoà sinh trưởng, nhưng đến nay việc ứng dụng đồng ruộng còn hạn chế.
2.4.Tích luỹ dầu :
Sau khi hoa tàn và hình thành quả non, Mắc-ca cần có 215 ngày để quả chín, tức 30 tuần. Khi đó hàm lượng dầu trong nhân đạt tới 75-79%. Khi hàm lượng dầu trong nhân không ngừng tăng lên thì hàm lượng đạm trong nhân cũng không ngừng giảm xuống.
Hàm lượng đường sau khi hoa tàn tăng lên không ngừng cho tới ngày thứ 111 sau đó bắt đầu giảm dần.
Nhịp điệu tích luỹ protein thô biến động theo quy luật sau đây :
Sau khi hoa tàn từ ngày thứ 90 trở đi, hàm lượng protein thô nếu tính theo trọng lượng tươi thì tỷ lệ từ từ tăng. Nhưng tính theo trọng lượng khô thì hàm lượng protein từ từ giảm. Tính theo trọng lượng khô, hàm lượng protein là 30% vào ngày thứ 90 giảm xuống còn 10% vào ngày thứ 120.
Nhịp điệu biến thiên hàm lượng đường trong nhân theo tuổi quả như sau :
Sau khi hoa tàn từ ngày thứ 90 đến 110, hàm lượng đường hoàn nguyên, đường sa-ca-ro-za và đường tổng số đều có xu hướng tăng dần. Sau ngày 110 hàm lượng đường hoàn nguyên và sa-ca-ro-za đều giảm nhanh, đến ngày 150 trở đi không còn kiểm tra thấy đường hoàn nguyên và sa-ca-ro-za hạ xuống còn 8% (theo trọng lượng khô).
Nhịp điệu thay đổi hàm lượng nước như sau :
Sau ngày thứ 90, hàm lượng nước trong nhân khoảng 92%, tỷ lệ khô của nhân là 6-8%, từ đó trở đi hàm lượng nước giảm và hàm lượng chất khô tăng dần, đến ngày 120 tỷ lệ chất khô đã đạt 38,7%, khi quả chín hầu hết các giòng đều đạt tỷ lệ chất khô khoảng 70% (hàm lượng nước trong nhân khoảng 30%).
3.1. Chế độ nhiệt.
Mắc-ca tương đối chịu lạnh. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận khả năng chịu lạnh của cây con vườn ươm tới -4 oC và kéo dài 7 ngày (Trần Tác Tuyền 1995), cây trưởng thành tới -6 oC . Đông Xuân 1999 -2000, Viện cây trồng nhiệt đới Quảng Tây đã ghi nhận nhiệt độ tối thấp -5 oC kéo dài 6-7 ngày cũng không gây tổn hại cho nụ hoa.
Nhiệt độ cực hạn cao vượt quá 38 oC kéo dài có thể gây phản ứng xấu về sinh lý.
Để gây trồng Mắc-ca trên quy mô thương mại, người ta thường đưa ra khuyến cáo lựa chọn vùng gây trồng có nhiệt độ không thấp hơn 13oC và không cao hơn 32oC .
Nhiệt độ tốt nhất cho sinh trưởng là 20-25 oC .
Nhiệt độ tốt nhất cho phân hoá hình thành chồi hoa là 15-18 oC kéo dài từ 4-8 tuần tuỳ theo giòng (chú ý rằng đây là nhiệt độ đêm). Tuy nhiên theo kinh nghiệm theo dõi ở Quảng Châu có nhiệt độ bình quân đêm trước sau tháng 10 là 18 oC thì Mắc-ca ra hoa quá nhiều, tiêu hao quá nhiều dinh dưỡng dự trữ đã dẫn tới tỷ lệ đậu quả không cao. Vì vậy nhiệt độ bình quân ban đêm khoảng 20-21 oC trước sau tháng 10 có thể có lợi hơn cho sản lượng quả.
3.2 Chế độ mưa
Tốt nhất là lượng mưa không thấp hơn 1.000mm/năm và phải phân bố đều. Tại vùng nguyên sản Đông úc, lượng mưa đạt 1.894mm/năm, Hawaii là vùng trồng Mắc-ca đạt sản lượng cao nhất, lượng mưa giao động từ 1.290mm-3084mm/năm. Tại đảo Kô-na trong quần đảo Hawaii lượng mưa chỉ đạt 510mm/năm cây Mắc-ca vẫn sinh trưởng được nhưng gặp những năm mùa khô hạn kéo dài thì cây mọc chậm, sản lượng thấp.
Vùng trồng Nam Phi nói chung là khô hạn, sản lượng không cao, quả bé, nhân phát triển không đầy đủ.
Vì vậy tại những nơi lượng mưa thấp hơn 1.000mm/năm, muốn đạt sản lượng cao nói chung đều phải tính tới vấn đề tưới nước, cho dù lượng mưa cao nhưng nếu mưa phân bố không đều, đặc biệt là thiếu mưa thời kỳ 5-6 tuần sau mùa hoa thường dễ gây ra quả non rụng nhiều. Phần lớn các vùng có thể gây trồng Mắc-ca của Việt Nam có thể gặp tình huống này, cần chọn nơi mà tầng đất 0,5m vẫn đủ ẩm trong tháng 4-5, nếu không phải tính tới phương án tưới nước.
3 tháng cuối cùng trước mùa thu hoạch (tháng 7, 8, 9), lượng mưa cao rất có lợi cho tích luỹ dầu. Phần lớn vùng có thể gây trồng ở ta đều có thuận lợi về điểm này.
3.3. Cao trình tuyệt đối.
Từ xích đạo đến vĩ độ 15, nói chung chỉ vùng núi cao mới phù hợp với gây trồng Mắc-ca.
Tại Kenia - xích đạo Đông Phi, Mắc-ca được gây trồng tới cao trình 1.500mm. Ma-la-uy tới 1300m, Goa-tê-ma-la tới 800m, Cos-ta-ri-ca (Bắc vĩ 15-16 o ) tới 700m. Các vùng này đều mới trồng, đánh giá về sản lượng còn chưa đầy đủ. Tại Hawaii (Bắc vĩ 20 o ) vườn Mắc-ca trên cao trình 700-800m sản lượng và chất lượng không cao, nguyên nhân chính là mây mù quá nhiều, thiếu nắng.
ở miền Bắc nước ta, từ Trung du đến cao trình 700-800m vùng Trung tâm và 900-1000m vùng Tây Bắc có nhiều triển vọng phù hợp với gây trồng Mắc-ca quy mô thương mại. Lên giới hạn cao, cần chọn các giòng chịu lạnh hoặc ưa mát.
3.4. Gió .
Mắc-ca cây cao, tán to và nặng, rễ cọc không sâu, nguy cơ bão đổ tróc rễ, rụng quả tương đối lớn.
Gây trồng thương mại cần chọn nơi ít bão và quan tâm đầy đủ đến tạo băng rừng chắn gió. Chí ít phải chọn nơi nếu có ảnh hưởng bão thì gió cũng không mạnh hơn cấp 9 gió giật không quá cấp 10 và phải chọn trồng các giòng chịu bão tốt như OC, 344, 741, 660, 333 v.v... Không nên dùng các giòng chịu bão kém như 246, 800, 508, H 2 .
Để giải quyết vấn đề gió hại, úc và Hawaii ngoài việc chọn giòng thích hợp còn nhấn mạnh nhiều đến trồng xen với cây trồng khác có thân cao, không tạo vườn có kích thước quá lớn (dài rộng không quá 150m), chung quanh tạo đai phòng hộ chắn gió gồm 1-3 hàng cây.
3.5. Đất .
Mắc-ca có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất, nhưng thường đòi hỏi tầng đất sâu, tốt nhất là sâu 1,0m, chí ít là 0,5m, thoát nước tốt, giàu hữu cơ, đất không bị bí chặt. pH thích hợp là 5,0 - 5,5.
Đất phèn mặn, đất trên đá vôi đều không thích hợp với Mắc-ca.
Mắc-ca tương đối nhạy cảm với dinh dưỡng khoáng, đặc biệt là với lân. Đất quá giàu lân hoặc bón lân quá liều có thể gây ngộ độc cho cây, biểu hiện thường gặp là lá mất màu xanh.
Đất Feralit có hàm lượng Ma-nhê cao, cũng có thể gây ra bệnh vàng lá, sinh trưởng kém, sản lượng thấp. Tuy nhiên ảnh hưởng của Ma-nhê đối với sinh trưởng của cây con không rõ. Mắc ca ưa đất thịt nhẹ đến trung bình, thời gian úng ngập không quá 10 ngày, đất ẩm đều quanh năm, tầng đất sâu trên 1m hơi chua, nếu giàu hữu cơ thi đỡ phải bón nhiều phân. Mắc ca không ưa đất kiềm, đất phèn mặn, đất đá vôi, đất đá ong hoá hoặc thoái hoá.
Vùng giáp ranh giữa Đông và Tây Trường Sơn nơi được đón mưa sớm Tây Trường Sơn rất sớm đồng thời lại được hưởng mưa muộncủa Đông Trường Sơn như An Khê, Bảo Lộc, Tánh Linh có thể phù hơp cho trồng cây Mác ca.
Riêng Tây Nguyên biên độ nhiệt khá phù hợp cho việc trồng thâm canh cây Mắc ca nhờ độ cao địa hình và biên độ hiệt ngày đêm cũng như nhiệt độ về đêm ở Tây nguyên đều khoảng từ 16 đến 22oC vào giai đoạn phân hoá mầm hoa.
Write a review
Your Name:Your Review: Note: HTML is not translated!
Rating: Bad Good
Enter the code in the box below: